Trẻ bị sâu răng do không được dạy đánh răng đúng cách từ nhỏ

  28/02/2018

Đưa con đến khám răng ở bệnh viện, chị Nguyễn Thị Huệ 32 tuổi ngụ tại quận Tân Phú, TP HCM, cho biết từ khi con trai thay răng vĩnh viễn chị mất rất nhiều thời gian vào việc chăm sóc răng miệng cho bé. Đến nay cu cậu 13 tuổi, thường xuyên sâu răng, viêm nướu nên phải đến bệnh viện điều trị nha khoa nhiều lần.

Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, chị Huệ nhận ra sai lầm của mình là không chăm sóc đúng cách từ khi con mới mọc răng sữa. Lúc bé học mầm non đã bị sâu 2 chiếc răng cửa, thức ăn nhét vào không vệ sinh được gây đau nhức nên phải đi trám. Tình trạng sâu răng ngày càng nặng, cả những chiếc răng vĩnh viễn mới mọc cũng không tránh được. “Men răng của cháu cũng bị đen, bác sĩ khám phát hiện một răng hàm không thể trám vì đã chết tủy”, người phụ nữ chia sẻ.

Cha mẹ nên chú ý chăm sóc răng cho trẻ từ khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa

Theo bác sĩ Ngô Đồng Khanh, Phó Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam, Chủ tịch Hội Răng hàm mặt TP HCM, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh sâu răng ở trẻ em là cha mẹ chưa chú trọng chăm sóc răng miệng đúng cách cho con từ nhỏ. Chăm sóc răng không nên đợi đến khi bé mọc răng vĩnh viễn mới chú trọng mà cần chải răng từ khi còn là răng sữa. Răng sữa nếu không được chăm sóc tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng răng vĩnh viễn sau này.

Phát biểu trong ngày Sức khỏe răng miệng quốc tế vừa diễn ra tại TP HCM, bác sĩ Khanh cho rằng ngày trẻ em dùng nhiều thức ăn nhanh và uống nước giải khát có đường, ga. Những thức ăn này bám vào răng miệng nhưng lại không được vệ sinh đúng cách, gây lên men, tạo ra axit phá huỷ cấu trúc men răng.

“Thực tế cho thấy tiêu thụ nhiều các loại thức ăn này dẫn đến tỷ lệ sâu răng ở trẻ cao hơn, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh”, bác sĩ Khanh nói. Theo ông, đó là lý do khiến tỷ lệ trẻ bị sâu răng ở Việt Nam ngày càng tăng, cụ thể là trên 50% ở nhóm từ 5 đến 6 tuổi, từ 80 đến 85% ở nhóm 12 tuổi.

Để giảm tình trạng sâu răng cũng như các bệnh về răng miệng ở trẻ em, bác sĩ Khanh cho rằng cần có sự quan tâm từ gia đình, nhà trường và xã hội. Quan trọng nhất là các chương trình dự phòng như giáo dục sức khoẻ răng miệng cho học sinh, giúp các em biết giữ gìn vệ sinh răng miệng, chải răng sau khi ăn hoặc ít nhất là hai lần sáng và tối. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ, điều trị răng sâu, điều trị dự phòng. Nhà trường và xã hội cũng cần có thêm nhiều biện pháp giáo dục cộng đồng nhằm nâng nhận thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng.

“Vệ sinh răng miệng tức là làm sạch miệng, không tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh răng miệng. Có nhiều cách can thiệp nhưng tốt nhất là chải răng giúp làm sạch vi khuẩn gây bệnh nướu và nha chu", bác sĩ nhấn mạnh. Bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh khi thấy trẻ xuất hiện những chiếc răng đầu tiên cần phải giúp con làm quen với việc đánh răng bằng cách bôi một ít kem đánh răng vào gạc rồi quấn quanh đầu ngón tay để chà răng cho bé.

Bình luận